10/03/2015 08:48 GMT+7

​Thí sinh hỏi, Cục Khảo thí trả lời

Ngọc Hà ghi
Ngọc Hà ghi

* Khi dự thi các môn thi trắc nghiệm, chúng em phải lưu ý những điểm gì để không bị coi là vi phạm quy chế mà vẫn đảm bảo được quyền lợi tối đa của mình? (Trần Hoàng, 18 tuổi, Kỳ Anh- Hà Tĩnh)

Ở các môn thi trắc nghiệm, thí sinh phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm đã được in sẵn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thí sinh chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn. Thí sinh lưu ý phải điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Các em phải ghi đủ phần chữ và tô đủ phần số cho số báo danh của mình (cả 6 ô, kể cả các số 0 ở phía trước), đồng thời điền chính xác mã đề thi vào hai Phiếu thu bài thi. Theo quy định, khi nhận đề thi, phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép. Để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình, thí sinh phải chủ động kiểm tra đề thi để đảm bảo có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi.

Theo Quy chế, khi tham dự Kỳ thi THPT quốc gia, ở bất cứ môn thi nào, thí sinh không được trao đổi, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Muốn phát biểu phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi và khi được phép nói, thí sinh đứng trình bày công khai với cán bộ coi thi ý kiến của mình. Tuy nhiên, khác với các buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2 phần 3 thời gian làm bài của buổi thi, khi dự thi môn thi trắc nghiệm, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài. Thí sinh không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài và chỉ được rời phòng thi sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép ra về.

* Em nghe nói đề thi năm nay sẽ không tách rời phần để xét tốt nghiệp THPT và phần để tuyển sinh ĐH, CĐ. Em chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT, làm sao có thể chọn được những câu hỏi dễ dùng để xét tốt nghiệp THPT, không mất thời gian vào những câu khó phân loại xét tuyển vào ĐH, CĐ? Đề thi có quá khó đối với trường trung tâm giáo dục thường xuyên chúng em không? Chúng em không học như phổ thông, không có nhiều tiết để ôn thi, nên rất thiệt thòi. Em mong các thầy cô Bộ GD-ĐT để ý quan tâm đến học sinh thuộc các trung tâm giáo dục thường xuyên như chúng em (Nguyễn An, Cẩm Mỹ- Đồng Nai)

Trong đề thi của Kỳ thi THPT quốc gia sẽ có hai nhóm câu hỏi: một nhóm câu hỏi có độ khó tương tự như các câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp năm 2014, nhóm câu hỏi thứ hai nhằm phân loại học sinh dùng cho việc xét tuyển ĐH, CĐ có độ khó tương tự như những câu hỏi dùng để phân hóa thí sinh trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Như vậy, ngoài các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ, đề thi đảm bảo sẽ có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT).

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT trả lời thắc mắc của học sinh. Ảnh - Minh Giảng

* Em đang học lớp 12 tại trường THPT ở TP.Thanh Hóa. Tuy nhiên, gia đình em có kế hoạch chuyển vào sống tại TP.HCM trong năm nay. Vì vậy, em dự định sẽ đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH ở TP.HCM. Em băn khoăn không biết mình sẽ vào trường ĐH TP.HCM dự thi hay phải thi ở cụm thi liên tỉnh Thanh Hóa- Ninh Bình? (Võ Hạo Nhiên - Thốt Nốt - Cần Thơ)

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ có hai loại cụm thi: 1. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ: tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh), do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT;

2. Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT: tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH.

Thí sinh có nguyện vọng dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia xét tuyển vào ĐH sẽ dự thi tại cụm thi liên tỉnh theo quy định cụ thể của Bộ GD-ĐT. Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ công bố danh sách cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì trong tháng 3, trước khi thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi. Em đang là học sinh đang học lớp 12 nên sẽ phải dự thi theo cụm thi quy định đối với trường THPT em đang theo học. Riêng thí sinh tự do sẽ được lựa chọn để đăng ký cụm thi theo nguyện vọng.

* Tôi có con học lớp 12 năm nay, tôi rất muốn biết cấu trúc đề thi các môn: đề thi của mỗi môn gồm mấy câu, thang điểm thế nào... Bộ GD-ĐT có công bố cấu trúc đề thi trước để thí sinh nắm được thông tin đầy đủ hơn về kỳ thi không hay đến khi cầm đề thi trong tay thí sinh mới biết cấu trúc đề?(Châu Văn Sang, 52 tuổi, Phụng Hiệp, Hậu Giang)

Với cách tiếp cận mới về cơ sở lý luận và cơ sở khoa học của việc xây dựng đề thi, cấu trúc đề thi được phản ánh thông qua ma trận đề thi. Để góp phần khắc phục tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi tràn lan, trong mấy năm gần đây, Bộ GD-ĐT không công bố cấu trúc đề thi.

Đề thi sẽ đảm bảo vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đề thi trong Kỳ thi THPT quốc gia tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đề thi sẽ tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở, chứ không đặt nặng việc ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Hướng ra đề thi đó đã được học sinh, giáo viên và dư luận xã hội đánh giá cao, nhất là ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014.

* Em có nguyện vọng thi vào ngành kinh tế và đang băn khoăn giữa Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Thương mại. Vậy với một giấy chứng nhận kết quả thi duy nhất của đợt 1 làm sao em đăng ký được hai trường? Mọi năm có hai đợt thi ĐH, như vậy thí sinh có thể có hai nguyện vọng 1. Liệu có phải chúng em thiệt thòi hơn khóa trước vì năm nay bộ chỉ cho phép nộp giấy chứng nhận kết quả thi dành xét tuyển đợt 1 nộp vào một trường? (Lê Thanh Nguyện - Đầm Dơi - Cà Mau)

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015, mỗi thí sinh dự thi sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó, 1 giấy chứng nhận kết quả được sử dụng để xét tuyển đợt 1 và ba giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho các em trong thời gian quy định của đợt xét tuyển đợt 1 được thay đổi nguyện vọng của mình, có nghĩa là có thể rút hồ sơ đăng ký của trường này để nộp vào một trường khác. Với mỗi giấy chứng nhận kết quả thi như vậy, các em được sử dụng để đăng ký tối đa 4 nguyện vọng để đăng ký vào 4 ngành, chuyên ngành của một trường. Sau khi kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, các thí sinh đã trúng tuyển không được phép xét tuyển các đợt bổ sung tiếp theo. 

Còn khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung, các em có thể được sử dụng tối đa cả ba giấy chứng nhận kết quả còn lại để tham gia xét tuyển cho mỗi đợt. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần phải cân nhắc kỹ vì ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hiện hành quy định chỉ đến khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển mới được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.

* Em đã tốt nghiệp THPT từ năm 2014, nhưng không đỗ ĐH. Năm nay, em muốn dự thi Kỳ thi THPT Quốc gia để dùng kết quả đó xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội theo hai khối A, A1. Nghĩa là em sẽ dự thi môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh, nhưng hiện vẫn không biết lịch thi các môn như thế nào? Liệu có hai môn nào bị trùng lịch thi không? (Lan Phương, Cần Thơ)

Lịch thi từng môn sẽ được công bố chính thức trong hướng dẫn thi Bộ GD-ĐT ban hành trong trung tuần tháng 3. Dự kiến Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được tổ chức từ ngày 1-7 đến 4-7. Với 8 môn thi, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi trong 4 ngày, dự kiến mỗi ngày có hai môn thi với giờ thi độc lập nhau, đảm bảo thí sinh còn có thể dự thi tối đa 8 môn. Do đó, các em yên tâm không có môn thi nào bị trùng lịch thi với bất cứ môn khác nào còn lại.

* Các anh chị thi ĐH năm trước nói rằng khi cộng điểm ba bài thi của mỗi khối thi để xét tuyển ĐH sẽ được làm tròn theo hướng: tổng điểm thực tế lẻ 0,25 sẽ được làm tròn lên 0,5 và lẻ 0,75 sẽ làm tròn thành 1,0 điểm. Nhưng em cũng lại nghe nói năm nay sẽ không được làm tròn điểm nữa. Việc không làm tròn điểm sẽ áp dụng trên điểm từng bài hay trên tổng điểm của cả tổ hợp môn thi em dùng để xét tuyển vào trường ĐH?(Trần Thái Sơn, Tân Hiệp, Kiên Giang)

Năm 2015, tất cả các bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25, nhưng không quy tròn điểm. Việc không làm tròn điểm tính trên điểm từng bài thi cũng như tổng điểm từng tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển ĐH, CĐ.                                                       

                                                     

Ngọc Hà ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp